Vui lòng chờ trong giây lát...
Vui lòng chờ trong giây lát...
Hoa Đôi xin sưu tầm và giới thiệu bài viết dưới đây từ Tạp chí kinh doanh cho những bạn muốn tìm hiểu về văn hóa tặng quà cho hoạt động kinh doanh quốc tế.
Để chuẩn bị cho cuộc gặp gỡ với đối tác quốc tế, ngoài việc phải lo những nội dung cần trình bày và thảo luận trong cuộc gặp, trong một số trường hợp, bạn còn cần phải có một món quà giành tặng cho đối tác. Việc tặng quà được coi là một cử chỉ văn minh ở một số nước nhưng cũng có thể bị coi như một hành động hối lộ ở một số nước khác. Hiểu biết về quan điểm với việc tặng quà, cách thức tặng quà, sở thích về quà tặng… phù hợp với các đối tác đến từ những nền văn hóa khác là yếu tố giúp bạn tạo ấn tượng tốt và có nhiều cơ hội thành công.
Một vài công ty đa quốc gia và một số chính phủ có những chính sách rất nghiêm ngặt liên qua tới việc nhận quà của nhân viên. Để tránh gây ra hiểu nhầm, bạn nên tìm hiểu kỹ những chính sách của các công ty này trước khi bạn đến làm việc với họ.
Những nước như Malaysia và Paraguay, vấn nạn tham nhũng rất lớn, do đó họ tránh những món quà dễ bị hiểu nhầm là hối lộ. Ở Malaysia, bạn không nên tặng quà trừ khi bạn đã tạo được một mối quan hệ bạn hàng thân thiết với họ. Còn tại Singapore, nhân viên của chính phủ không được phép nhận quà, và Hoa Kỳ thì quy định mức giới hạn cao nhất cho một món quà là 25 USD.
Tuy nhiên, ở một số nước như Nhật Bản, Indonesia hay Philippine chẳng hạn, thì việc trao đổi quà tặng lại ăn sâu vào truyền thống của các nước này. Một phần truyền thống này được thể hiện trong thái độ lịch sự mà người ta trao và nhận quà. Họ rất thận trọng khi cân nhắc thời gian trao quà và rất chú tâm khi tặng và nhận quà.
Tại châu Á và Trung Á, bạn chỉ được sử dụng tay phải hoặc cả hai tay để cầm quà. Ở Nhật Bản và ở Hong Kong, thì bạn phải dùng cả hai tay.
Tại Singapore, đối tác có thể sẽ lịch sự từ chối món quà của bạn 3 lần trước khi chấp nhận nó. Nhưng tại Chile, người ta có thể nhận quà và bóc quà ngay lập tức. Và ở Indonesia, người ta vẫn thường trao cho nhau những món quà nho nhỏ.
Bạn phải luôn biết rõ về những quy tắc tôn giáo khi chọn quà nữa. Ví dụ như, trong đạo Do Thái và đạo Hồi người ta cấm thịt lợn, do đó bạn đừng tặng món quà nào làm từ da lợn. Còn ở Ấn Độ thì đừng tặng món quà nào làm từ da bò. Một điều kiêng kỵ nữa khi tặng quà những đối tác theo đạo Hồi là không tặng Rượu.
Việc tặng quà cho đối tác đôi khi lại phản tác dụng
Chất lượng Quà
Một tiêu chuẩn khi bạn chọn quà chính là chất lượng. Hãy chọn những món quà có chất lượng tốt nhưng không quá phô trương. Nếu bạn tặng họ món quà có dán mác của công ty mình thì hãy để thật kín đáo. Và cũng đừng bao giờ tặng quà có dán mác công ty mình ở Hy Lạp, Tây Ban Nha, và Bồ Đào Nha.
Tổ chức một bữa ăn ở nhà hàng cũng là một cách hay. Một bữa tối ngon miệng cũng có thể coi là một món quà gửi tới những vị chủ nhà (đối tác làm ăn của bạn), thông qua đó bạn có thể chỉ ra cho những vị khách của bạn rằng bạn đánh giá cao mối quan hệ làm ăn với họ, và cơ hội hợp tác giữa đôi bên. Những đối tác đến từ Brazil, Anh, Panama, và Peru đều rất sẵn lòng dự bữa tối với bạn hàng của mình, cả người Hy Lạp cũng vậy. Còn ở Trung Quốc, bạn hãy chuẩn bị một bữa tiệc lớn với đối tác, nhất là khi họ là khách mời vinh dự của bạn.
Dù gì thì việc mời ăn tối cũng là một động thái có đi có lại giữa bạn và đối tác.
Dưới đây là danh sách các nước mà tại đó bạn nên/không nên tặng quà đối tác:
Những quốc gia mà tại đó người ta chấp nhận quà cáp là :
- Khu vực Châu Âu: Cộng hòa Séc, Phần Lan, Liên bang Nga, Ukraina.
- Khu vực Châu Mỹ La Tinh: Bolivia, Columbia, Costa Rica
- Khu vực rìa Thái Bình Dương: Trung Quốc, Hong Kong, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc.
- Đài Loan, Malaysia, Philippine, và Thái Lan
Những nơi bạn không nên tặng quà ngay lần đầu gặp gỡ, nhưng việc tặng quà lại có thể được chấp nhận vào những lần sau:
- Châu Âu: Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha
- Châu Mỹ La Tinh: Brazil, Chile, Guatemala. Nicaragua, Panama, Peru, Venezuela
- Vùng ven Thái Bình Dương: Malaysia và Singapore
- Khu vực Scandinavi: Phần Lan và Thụy Điển.
Những quốc gia mà ít khi người ta tặng hay nhận quà là:
- Châu Phi
- Châu Úc
- Châu Âu: Anh, Pháp, Hungary, Ý
- Châu Mỹ La Tinh: UruguayScandinavi : Đan Mạch
- Trung Á: Pakistan, Ả rập Saudi
- Hoa Kỳ
Đối với những quốc gia không có trong danh sách này thì bạn có thể tặng hoặc không tặng đều được.
Văn hóa tặng quà ở một số nước cụ thể
Trung Quốc
Những nước bị ảnh hưởng bởi nền văn hóa Trung Hoa, có tinh thần tập thể cao, thì người ở đó thường nhận quà với thái độ rất khiêm tốn. Để không bị coi là quá tham lam, họ sẽ không bao giờ nhận quà ngay lập tức, mà sẽ từ chối khoảng ba lần trước khi chấp nhận. Do đó, cứ mỗi lần họ từ chối món quà thì bạn lại phải lịch sự đề nghị họ nhận món quà một lần nữa. Và một khi họ đã nhận món quà thì hãy nói với họ rằng bạn thực sự rất vui vì họ đã nhận quà.
Món quà phải được nâng niu bằng hai tay và phải được gói cẩn thận; mặc dù sau đó người ta có mở quà trước mặt bạn đi chăng nữa. Sau khi người ta đã nhận quà thì họ sẽ để quà sang một bên và mở quà sau. Chính vì thế nên bạn đừng lo lắng là người nhận quà không hài lòng với món quà của bạn nên mới để sang một bên.
Và nếu như bạn được tặng một món quà từ họ thì cũng hãy tuân theo một quy tắc như vậy: từ chối khoảng 3 lần rồi sau đó nhận món quà đó bằng 2 tay. Và bạn cũng không được mở món quà đó ngay lập tức mà phải đợi đến gần phút cuối.
Ở Trung Quốc, chính phủ cũng có ra một chính sách xét loại quà tặng nào là món hối lộ. Mặc dù chính sách này cũng dần được nới lỏng nhưng cũng sẽ có lúc món quà của bạn sẽ không được chấp nhận. Trong những trường hợp như vậy, bạn nên lịch sự nói rằng bạn hiểu vì sao họ không nhận và rút lại món quà. Rồi bạn hãy chờ cho tới khi nào cuộc đàm phán đã chấm dứt, thì món quà bạn tặng có thể được gỡ đi cái vỏ “hối lộ” lúc ban đầu.
Bạn có thể tặng quà và nói rằng bạn tặng món quà này là thay mặt cho toàn thể công ty. Bạn phải luôn chú ý tôn trọng vị đối tác cấp cao nhất. Và hãy nhớ rằng người mà bạn phải trao món quà cho chính là người đấy. Khi đưa ra món quà hãy nói rằng: “Xin anh thay mặt công ty nhận món quà của công ty chúng tôi!” Nếu bạn có nhiều hơn một món quà thì bạn nên tặng các vật phẩm theo thứ bậc chức vị. Chức vị càng cao, món quà càng đắt.
Một món quà đặc biệt dành tặng riêng một người nào đó thì không nên tặng họ trước mặt cả nhóm. Hãy chờ tới khi chỉ có hai người! Và khi tặng món quà này hãy luôn đảm bảo rằng đây chỉ là một cử chỉ vì tình bạn không phải là chuyện làm ăn nữa.
Giá trị của một món quà cũng phải tương xứng với mức độ làm ăn. Điều này ứng dụng cả với việc tặng quà cá nhân hay tặng qua thay mặt công ty. Cũng có lúc, những món quà đắt tiền lại rất phù hợp với hoàn cảnh, nhưng một món quà quá tốn kém nhiều lúc cũng gây rắc rối khi người nhận cảm thấy họ không thể đáp lại món quà đó.
Trong văn hóa Trung Hoa, biểu tượng mang ý nghĩa rất quan trọng, nhất là đối với màu sắc và các con số. Ví dụ như, vào dịp Tết Nguyên Đán, tiền phải được đựng trong một phong bì đỏ; và phải là một con số chẵn, thậm chí hóa đơn cũng phải là số chẵn.
Đỏ là màu may mắn, hồng và vàng tượng trưng cho hạnh phúc, và con số 8 là con số “phát”, con số may mắn nhất. Màu trắng, đen và xanh nước biển cùng con số 4, hay là bộ tứ của bất cứ thứ gì đó, thì đều gắn với cái chết hoặc đám tang. Ngoài ra thì người ta cũng kiêng kỵ đồng hồ, khăn mùi soa, và những đôi dép bằng rơm.
Những vật sắc như dao, kéo tượng trưng cho sự chia rẽ tình bạn hay một mối quan hệ thân thiết, bao gồm cả quan hệ làm ăn.
Dĩ nhiên là bạn không muốn mình chọn phải một món quà mang ý nghĩa xấu hoặc không may mắn. Nhưng có thể chỉ vì ý nghĩa tượng trưng của món quà, mà điều đó có thể xảy ra. Ví dụ như, một chiếc bút máy chỉ trở thành một món quà tuyệt vời khi có mực đỏ.
Khi mua quà tặng cho những lần đầu gặp gỡ đối tác, bạn nên mua quà ở những cửa hàng tại địa phương, tại đây bạn sẽ được cung cấp đầy đủ thông tin và người ta cũng hướng dẫn bạn cách chọn quà sao cho tránh gây hiểu nhầm. Còn nếu bạn mang quà đi từ nước mình thì hãy bọc món quà tại nước đối tác, để tránh chọn nhầm màu hoặc loại giấy không phù hợp.
Nhật Bản
Ở Nhật, tặng quà là một nghệ thuật, thể hiện tình bạn, sự kính trọng và thái độ ngưỡng mộ. Nghi thức tặng quà rất quan trọng. Quà luôn được đựng trong một hộp quà nhỏ, được bọc rất đẹp bằng loại giấy chất lượng, và sau đó món quà được trao cho đối phương với đầy sự kính trọng. Cũng bởi vì tại Nhật, ý nghĩa tượng trưng của món quà rất là quan trọng, do đó món quà thật sự cũng thường rất khiêm tốn.
Người ta mong đợi trao quà tặng ngay trong lần đầu gặp gỡ, và món quà sẽ trở thành một phần trong cuộc làm ăn của bạn. Do đó khi lần đầu tiên gặp mặt, hãy mang theo mình một món quà được bọc đẹp đẽ, chất lượng nhưng không quá đắt. Đó là một cử chỉ thể hiện bạn mong muốn có một mối quan hệ lâu bền với đối phương.
Có một thông lệ tại Nhật, là đối tác sẽ tặng lại mình một món quà bằng nửa giá trị món quà họ đã nhận. Nếu quà của bạn quá đắt, thì nó sẽ gây ra một tình huống khó xử, kể cả là món quà mà họ đáp lễ chỉ bằng ½ món quà của bạn.
Tuy vậy nếu bạn là một chuyên viên cấp cao của công ty thì bạn đừng ngần ngại nhận một món quà xa xỉ từ phía đối tác Nhật Bản. Người Nhật rất thận trọng, họ căn cứ theo cấp bậc, mối quan hệ làm ăn để tặng quà.
Nếu bạn mang một món quà để tặng đối tác thì đừng chờ đến cuối buổi mới đưa ra. Cùng đừng mới đến đã khiến họ bất ngờ bằng bọc quà của bạn. Cách tốt nhất là hãy nói với ông/bà ấy trong khi đang nói chuyện rằng bạn có một món quà nhỏ bạn muốn tặng họ vào cuối buổi. Cách nói bóng gió về điều này sẽ thể hiện sự tôn trọng nghi thức tặng quà của người Nhật Bản và cho phép bạn có cơ hội đặt trước một cuộc hẹn cho một thành viên nữa tham gia cuộc họp, nếu cần (người đó sẽ mang quà tới).
Khi trao quà, bạn hãy cầm bằng hai tay và cúi mình xuống, và nói cho họ biết :” Món quà này không thể sánh bằng mối quan hệ tốt đẹp giữa chúng ta”. Hãy nói rằng đây chỉ là một “món quà nhỏ”, kể cả là món quà rất đắt đi chăng nữa, quan trọng là truyền đạt thiện ý của bạn.
Người Nhật sẽ lịch sự từ chối món quà của bạn khoảng 1 hay 2 lần trước khi họ nhận nó. Và họ cũng không mở quà khi có mặt của bạn. Khi bạn nhận quà từ một người Nhật cũng vậy, bạn nên làm y hệt thế: từ chối 1 hay 2 lần rồi sau đó nhận món quà bằng hai tay và không mở gói quà khi có mặt người tặng còn ở đó.
Trong một năm, theo truyền thống Nhật Bản thì có hai dịp người ta chính thức tặng quà nhau. Một dịp là vào giữa mùa hè (O-Chugen) và dịp khác là vào cuối năm (O-Seibo). Bạn nên tặng quà vào những dịp này.
Những món quà là đồ ăn hay đồ uống (bánh, kẹo đắt tiền, và hoa quả) cũng là những lựa chọn tốt. Nếu bạn mang theo một món quà từ đất nước của bạn, hãy kiểm tra thật kỹ và đừng mua sản phẩm ghi :”Made in Japan”. Và đừng chọn những sản phẩm của công ty bạn làm quà tặng với logo công ty hiện ngay trên quà tặng.
Theo như cách các doanh nghiệp hay làm thì người ta thường đến Nhật mới mua và gói quà. Làm như vậy thì món quà sẽ chuẩn xác.
Trong văn hóa Nhật Bản, biểu tượng cũng có nhiều ý nghĩa như văn hóa Trung Hoa vậy. Một món quà có cặp (một bộ đôi) được cho là điềm may, nhưng nếu là bộ bốn chiếc hoặc chín chiếc thì lại bị cho là điềm gở.
Thêm vào đó, số 4 cũng bị cho là số tử và màu đỏ thì gắn với tang lễ, do đó đừng bao giờ tặng một chiếc bút mực đỏ hay viết thiệp bằng màu đỏ. Sách không phải là những món quà thích hợp; và những vật sắc như dao kéo hay dao rạch giấy cũng bị cho là “chia cắt quan hệ”
Bạn đừng xem những biểu tượng và nghi thức tặng quà trên là quá rắc rối, tìm hiểu về chúng bạn sẽ thấy thoải mái hơn nhiều. Và thậm chí bạn có thể thấy hứng thú khi chọn quà cho những bạn hàng của mình.
Các nước Latin
Văn hóa tặng quà ở các nước Latin quả không cầu kỳ như Trung Quốc và Nhật Bản, hoặc ít ra nền văn hóa này không quy định một nghi lễ tặng quà chính thức nào cả. Tuy nhiên trong những quốc gia Latin, những mối quan hệ kinh doanh đều có thể phát triển thành những mối quan hệ cá nhân. Để có được một tình bạn bền chắc với các đối tác đến từ những đất nước này, tặng quà sẽ là một cách duy trì quan hệ tốt vì món quà của bạn sẽ lưu lại ấn tượng tốt đẹp về bạn với đối phương trong lần đầu gặp gỡ. Không chỉ vậy, tặng quà trong những lần gặp tiếp theo sẽ khiến cho đối tác đánh giá cao sự rộng rãi và tử tế của bạn.
Ở các quốc gia này, những mối quan hệ thân thiết đều trở thành những vấn đề cá nhân, do đó đừng ngần ngại tìm hiểu phong cách của người mình sắp tặng quà. Và sau đó, hãy chọn một món quà phù hợp với phong cách của họ, giả dụ như bạn tặng một bó hoa tulip cho đối tác vì loại hoa ưa thích của vị đối tác đó là tulip. Chắc chắn đối tác sẽ hiểu họ rất quan trọng đối với bạn. Bạn cũng nên bọc quà cẩn thận, dùng giấy bọc thật đẹp vì chi tiết nhỏ này cũng thể hiện giá trị của mối quan hệ.
Nếu bạn là một quý ông tặng quà cho đối tác là một phụ nữ, để món quà của mình không bị hiểu nhầm hoặc mang ý nghĩa quá lãng mạn, bạn nên nói với quý bà này rằng bạn tặng quà thay mặt cho vợ bạn, hoặc chính người thư ký của bạn đã chọn món quà này.
Tuy không phức tạp bằng văn hóa Trung Quốc và Nhật Bản, văn hóa của các nước Latin cũng có một số điều kiêng kỵ đối với màu sắc và vật phẩm. Giấy tím và giấy đen không được dùng để bọc quà vì đây là màu giấy dùng trong tuần Thánh.
Những vật phẩm gắn với đám tang hoặc cái chết như khăn tay, hoa vàng, hoa đỏ và hoa trắng cũng không nên dùng.
Cũng giống như các nền văn hóa khác, bạn không nên tặng quà là những vật sắc như dao, kéo vì chúng thể hiện sự chia cắt các mối quan hệ.
Trong văn hóa đạo Do Thái
Người Do Thái không được phép ăn thịt lợn và những loài giáp xác dưới biển. Những quy định về thức ăn thì cụ thể đến từng loại thực phẩm một, loại nào được phép tiêu thụ và quy trình sơ chế hay chế biến chúng như thế nào. Thức ăn nằm trong danh sách các quy định đó sẽ bị đánh dấu và dán nhãn là “hạn định” (“kosher”).
Vì rượu được dùng trong những nghi thức tôn giáo do đó người ta dán nhãn “hạn định” trên vỏ chai kể cả là rượu đó chỉ dùng trong những buổi tiệc bình thường. Do đó rượu và tất cả những sản phẩm làm từ rượu phải được chế biến và đóng chai bởi tay những người Do Thái mà thôi.
Không giống như rượu, những sản phẩm có tính cồn khác không bị đánh dấu là “hạn định”. Do đó bạn có thể chọn một chai rượu cất đẹp để mang tặng một khách hàng Do Thái.
Nếu bạn muốn mua quà là một món ăn hoặc một chai rượu, tốt nhất là bạn nên đi tới những cửa hàng của người Do Thái, tại đó bạn sẽ nhận được những lời khuyên phù hợp là loại rượu hoặc thức ăn nào không phải loại cấm. Điều này thậm chí cũng nên áp dụng khi bạn mua hoa quả mang tặng.
Ở những quốc gia Hồi giáo
Trong nền văn hóa Hồi giáo, kinh Co-ran nghiêm cấm rượu và những sản phẩm có cồn. Do đó rượu và các sản phẩm có cồn kể cả là nước hoa đều bị cấm. Những sản phẩm hoặc thức ăn có xuất xứ từ heo, chim, và các loài giáp xác dưới nước đều bị cấm. Do đó không bao giờ người ta tặng nhau sản phẩm làm từ da lợn hay lông đà điểu cả.
Quần áo cũng không nằm trong danh sách quà tặng, vì đối với họ món quà này quá riêng tư và không thể mang tặng được. Người ta cho rằng loài chó không hề sạch sẽ, và bất cứ thứ gì dính dáng tới loài này đều thế, kể cả đấy là một bức hình có một chú chó nhỏ ở góc. Dao là vật có lưỡi sắc, và bị coi là biểu tượng chia cắt mối quan hệ trong văn hóa đạo Hồi. Tất cả những món quà như quần áo, dính dáng tới loài chó, hay dao đều không được chấp nhận.
Người ta cũng không tặng nhau những tác phẩm nghệ thuật điêu khắc hay những bức họa hoặc bức ảnh có hình cơ thể người, đặc biệt là khỏa thân, và đặc biệt hơn nữa là phụ nữ khỏa thân. Những sản phẩm có chất nicotine không được các nước Ả rập hoặc những nước Trung Đông cho phép mang tặng.
Món quà tuyệt vời dành cho một tín đồ Hồi giáo tận tâm lại là một chiếc la bàn. Mỗi ngày người tín đồ Hồi giáo phải hướng về thánh địa Mecca (thành phố nằm ở phía Tây của Ả rập Saudi, bên bờ biển Đỏ, được cho là nơi sinh ra của nhà tiên tri Muhammad). Với một chiếc la bàn thì người đó có ở bất cứ nơi nào trên thế giới, anh ta cũng dễ dàng tìm được hướng của thánh địa này.
Nếu bạn gặp gỡ một đối tác là người theo đạo Hồi giáo nhưng lại trên một đất nước mà đạo Hồi không phải tôn giáo chủ yếu, bạn nên mời đối tác của mình tới một nhà hàng có phục vụ hallah ( loại bánh mỳ trứng đặc biệt mà người Do Thái hay ăn trong các ngày kỉ niệm lớn, lễ Sabbath và những dịp lễ khác). Bạn cũng nên nhớ là không được dùng rượu, đặc biệt là khi có một quan chức chính phủ hoặc tôn giáo cùng ngồi với bạn và đối tác của bạn. Hãy giữ mình thận trọng và dè dặt kể cả khi đang giải trí.
Ở những đất nước đạo Hồi khi đưa hay nhận quà bạn nên dùng tay phải hoặc cả hai tay. Những người Hồi giáo quan niệm tay trái là không sạch sẽ.
Đối tác theo Đạo Hindu (Ấn độ giáo)
Trong đạo Hindu, bò là loài vật thiêng liêng thần thánh, người ta tránh xa tất cả những thực phẩm dính tới cá và những loài động vật khác ngoại trừ sữa hoặc bơ. Do đó bạn không nên chọn một sản phẩm thức ăn hay áo lông liên quan tới những loài trên.
Hầu hết những tín đồ đạo Hindu không uống rượu. Mặc dù một số người bị ảnh hưởng tư tưởng của phương Tây thì vẫn uống, nhưng bạn vẫn không nên tặng rượu trừ phi bạn biết rõ đối tác của mình có thói quen uống rượu, và bạn phải đảm bảo rằng nếu bạn tặng rượu thì người đó không thấy phiền. Có nhiều trường hợp, người đó có thể uống khi đang ở nước ngoài hoặc khi chỉ có một mình, nhưng lại không uống ở nơi công cộng.
Bạn phải đưa quà hoặc nhận quà bằng tay phải hoặc cả hai tay, không được dùng tay trái do đạo Hindu không cho đó là bàn tay sạch sẽ. Người Hindu cũng không mở quà ngay khi họ nhận nó.
Những quốc gia mang đậm nét nền văn hóa châu Âu
Đối với các đối tác tới từ những quốc gia châu Âu và những quốc gia chịu ảnh hưởng văn hóa châu Âu, họ không có truyền thống tặng quà sâu đậm, bạn không nên thường xuyên tặng quà như một phần quan trọng trong mối quan hệ của bạn. Song chuyện này không có nghĩa là một món quà nhân một dịp đặc biệt là không thích hợp. Thói quen của người châu Âu là không tặng quà ngay lần đầu gặp mặt, hoặc tặng quà như một thói quen, trong tất cả những lần gặp mặt.
Xét chung trong quan hệ đối với những đối tác đến từ tất cả các nền văn hóa, bạn đều có thể phát triển mối quan hệ giữa hai bên bằng cách mời họ một bữa ăn thân mật, hoặc một buổi nhạc kịch tại nhà hát, hay nhân dịp một sự kiện thể thao nào đó, như là một trận đấu của đội bóng họ yêu thích. Cách làm này rất thông dụng và cả hai bên đều có thể mời nhau khi người này tới nước người kia hoặc là khi cả hai người cùng tham dự một cuộc hội thảo quốc tế tại một địa điểm thứ ba nào đó.
Danh mục quà tặng thường dùng hoặc kiêng dùng
Ở một số nước, người ta chấp nhận quà cáp ngay trong lần đầu gặp mặt, như Nhật Bản, Indonesia, Philippines, Hàn Quốc, Đài Loan, Bolivia, Columbia, Costa Rica, Nga, Phần Lan và Ukraina.
Và ở một số nước khác bạn không nên tặng quà mang nhãn hiệu công ty mình như là Bỉ, Pháp, Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, và Tây Ban Nha.
1. Vật phẩm sắc nhọn
Đối với nhiều nền văn hóa, những vật có lưỡi sắc là tượng trưng cho sự chia cắt tình bạn hay các mối quan hệ. Do đó bạn không nên chọn quà là dao, kéo, hoặc đồ dùng để mở thư. Tốt nhất là bạn nên chọn những món quà khác không phải đồ sắc nhọn để tặng đối tác, hơn là mạo hiểm tặng một vật như vậy.
2. Những sản phẩm làm tại địa phương nơi bạn tới gặp đối tác
Giả như bạn đang đi công tác ở một quốc gia có một loại sản phẩm nổi tiếng nào đó, hãy nhớ là nhất quyết bạn không được dùng sản phẩm đó làm quà, kể cả nó được ghi là làm tại một nơi khác.
Ví dụ như rượu và đồ lông của Argentina; đồ lông của Brazil và Uruguay; bia và rượu của Đức; rượu của Pháp và Ý; vodka của Nga và Ba Lan; kéo của Phần Lan; bạc của Mexico; những tặng phẩm trên quá thông dụng không thể loại trừ trường hợp đối tác của bạn biết rõ về những tặng phẩm này hơn cả bạn.
3. Những sản phẩm điện tử hoặc dụng cụ văn phòng
Những món tặng phẩm phù hợp với một chuyên viên hay một thành viên của công ty đối tác có thể là các sản phẩm điện tử như bút laser, PDA, máy tính (casino chẳng hạn), và những quyển sổ ghi chép địa chỉ.
4. Những đồ văn phòng phẩm hoặc để bàn
Đó có thể là bút máy chất lượng cao, hoặc một bộ bút máy hoặc bút chì, một hộp đựng danh thiếp, cặp da thật đẹp, hoặc cặp đựng tài liệu bằng da.
Nếu người đối tác của bạn có dùng thuốc lá, bạn có thể tặng một chiếc gạt tàn thật đẹp.
5. Rượu
Bạn có thể tặng một chai rượu thật ngon và chất lượng cho đối tác, nếu đó là người hay uống rượu. Nhưng đối với đối tác đến từ những nước nổi tiếng về rượu thì bạn không nên tặng sản phẩm này.
6. Sô cô la
Sô cô la luôn là một lựa chọn tuyệt vời để dành tặng người đối tác của bạn khi bạn tới nhà thăm họ . Đó là một món quà thú vị dành tặng người chủ nhà. Bạn cũng có thể tặng món quà này cho những nhân viên của mình, những người đã chung sức với bạn. Bởi vì sô cô la có rất nhiều cỡ hộp, nên bạn có thể thỏa mái lựa chọn kích cỡ cho phù hợp. Song cũng nên chú ý khi đối tác của bạn là người kiêng ăn sô cô la.
7. Hoa
Chưa bao giờ hoa lại nằm ngoài danh mục quà tặng cả, và do đó khi được mời tới nhà của một đối tác, bạn hãy mang theo một bó hoa thật đẹp, hoặc bạn cũng có thể gửi bó hoa trước khi bữa tiệc tối diễn ra, ngoài ra bó hoa cũng có thể được gởi đi như một lời cảm ơn đối tác của bạn vào ngày hôm sau. Bạn nên nói với người bán hoa rằng bó hoa là một món quà nhỏ và cả lý do cũng như phong cách đối tác của bạn cho họ biết, vì như thế họ có thể giúp bạn chọn được bó hoa ưng ý mà không dễ gây hiểu nhầm.
Như ở Châu Âu chẳng hạn, truyền thống xưa kia của châu Âu vẫn luôn là tặng hoa với số hoa lẻ, ngoại trừ con số 13, con số xui xẻo theo quan niệm của họ.
Trong một số nền văn hóa, màu sắc của hoa cũng có thể gắn với ý nghĩa lãng mạn hay đám tang, và bạn nên cẩn thận không chọn những bó hoa này khi tới dự một bữa tối với đối tác. Hoa hồng đỏ thường gắn với ý nghĩa lãng mạn. Thường dùng trong đám tang là các loại hoa như hoa huệ, hoa cúc đại đóa, hoa hồng trắng, hoa cúc vạn thọ, hoa cẩm chướng, hoa đại, hoa thạch nam, và hoa màu trắng hoặc màu tím. Ở một số nước Latin, hoa vàng lại tượng trưng cho sự khinh miệt.
Xét cho cùng, những ấn tượng tốt đẹp khi giao thiệp luôn mang lại cho bạn những mối quan hệ làm ăn khăng khít và bền chặt, hơn nữa sự khéo léo, cẩn thận và rộng lượng của bạn sẽ được đối tác đánh giá thông qua món quà bạn trao cho họ. Đôi khi chỉ một món quà hợp ý, hợp sở thích của đối tác, thể hiện sự tinh tế và thực sự quan tâm của bạn đối với họ sẽ mang lại cho bạn những cuộc làm ăn vô cùng thành công. Vì đã không ít những ví dụ thành công trong làm ăn là chỉ nhờ vào một món quà nhỏ.
Theo tapchikinhdoanh.com.vn