Cúc đồng tiền, cây nha đam, trầu bà, cọ cảnh, hoa buồm trắng... làm đẹp không gian sống vừa giúp đem lại bầu không khí trong lành.
Hoa buồm trắng tên khoa học là Spathiphyllum. Đây là một trong số ít các cây giúp lọc không khí mà có hoa nên là sự lựa chọn tuyệt vời để trang trí không gian sống. Cây dễ chăm sóc, sống tốt trong bóng mát và nhiệt độ thường. Tuy nhiên, cây có thể gây độc hại đối với vật nuôi, vì vậy hãy cẩn thận với nó nếu bạn có con vẹt hoặc vật nuôi khác.
Cây lưỡi hổ, tên tiếng Anh là Snake plant, hiện được nhiều gia đình trồng do ưu điểm cây trồng trong nhà, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc lại có tác dụng lọc khí khá tốt. Nó hấp thụ carbonic và nhả oxy vào ban đêm, trái ngược với quá trình hô hấp thông thường. Cây cần ít ánh sáng, nước và phù hợp đặt ở nhiều góc trong nhà. Thêm vào đó kiểu lá đơn, cứng của loại cây này tượng trưng cho sự mạnh mẽ, sẽ ấn tượng khi dùng trong trang trí.
Cây thường xuân, tên khoa học Hedera helix, là loại cây được các nhà khoa học từ tổ chức NASA đưa vào danh sách những “bộ máy” lọc khí tốt nhất. Loại cây này rất hiệu quả trong việc làm sạch không khí và làm mát không gian. Ưu điểm dễ trồng và không đòi hỏi quá nhiều công chăm sóc. Sự mảnh mai mềm mại của loại cây thường xuân rất phù hợp để trang trí nhà. Bạn có thể trồng ở các chậu treo bên hàng rào hoặc ở khu vực phòng ăn,cầu thang… nó sẽ góp phần cho ngôi nhà của gia đình thêm tươi tắn, mềm mại.
Cây lục thảo, tên khoa học là Chlorophytum comosum. Cây lục thảo là một trong những cây trồng trong nhà phổ biến, duyên dáng, có tác dụng làm mát không gian và lọc không khí rất tốt, đặc biệt với các chất ô nhiễm như benzene, carbon monoxide và xylen, vốn là các chất sử dụng trong sản xuất đồ da, cao su và in ấn. Cây lục thảo xinh xắn, dễ trồng, mọc nhanh, phù hợp để bày ở cửa sổ.
Cây nha đam (lô hội) tên khoa học là Aloe vera, được biết đến với chức năng làm thực phẩm, thuốc chữa bệnh hiệu quả nhưng chức năng làm sạch không khí khá hiệu quả thì ít người biết đến. Đặc biệt, cây lô hội còn có khả năng hiển thị lượng ô nhiễm trong không khí vượt quá mức cho phép qua những đốm nâu trên thân cây. Có thể trang trí chậu nha đam trên bàn làm việc, phòng tắm, nhà ăn đều phù hợp.
Cây trầu bà, tên khoa học là Scindapsus aures, ở vị trí số một trong danh sách cây có khả năng giải tỏa chất formaldehyde, carbon monoxide và benzen trong không khí. Nó phát triển một cách dễ dàng ở nhiệt độ mát mẻ và cần ít ánh sáng mặt trời. Đây là loại cây treo nhưng cũng có thể được uốn để leo lên một lưới cao, treo tường.
Cây cọ cảnh với tên khoa học Rhapis excelsa là loại cây rất dễ trồng và duyên dáng. Cây cọ cảnh là một “bộ máy” lọc amoniac, vốn là thành phần chính trong chất tẩy rửa, dệt may và thuốc nhuộm, một cách hiệu quả. Cọ cảnh dễ trồng nhưng hơi khó tạo dáng cho đẹp.
Cúc đồng tiền, tên khoa học là Gerbera jamesonii, loại cây hoàn hảo cho phòng giặt hoặc phòng ngủ, cây này sẽ giúp loại bỏ chất trichloroethylene, thường được tìm thấy trong các sản phẩm làm sạch khô và benzen trong không khí. Loại hoa này đẹp và đầy màu sắc nhưng cần rất nhiều ánh sáng mặt trời nên cần được trồng ở một chỗ gần cửa sổ.
Chi đỗ quyên, tên khoa học là Rhododendron simsii, một loại cây bụi có hoa đẹp nhưng không trồng được trong khu vực mát mẻ và cần ánh sáng mặt trời để tồn tại. Vị trí tốt cho nó sẽ là trong tầng hầm có cửa sổ. Cây có tác dụng lọc bầu không khí, loại trừ chất formaldehyde.
Khánh Ly (Theo Homedit)