Hàng nghìn cây anh đào cùng lúc khoe sắc, tạo ra một không gian ấn tượng.
Tại mọi góc phố, con đường, người ta có thể bắt gặp hoa anh đào. Dòng người, dòng xe như đang đi dưới bạt ngàn hoa.
Người Nhật rất yêu thiên nhiên, cỏ cây, hoa lá. Tôn giáo chính của đất nước này là Thần đạo (Shinto), thờ thần tự nhiên. Do đó, thật dễ hiểu khi ngắm hoa anh đào, cùng với ngắm lá vàng, lá đỏ mùa thu đã trở thành lễ hội.
Người Nhật gọi lễ hội ngắm hoa anh đào là hanami. Một buổi hanami cũng đơn giản, chỉ là những người trong gia đình, hoặc bạn bè cùng nhau mang đồ ăn, rượu sake để cùng thưởng thức dưới gốc anh đào.
Có một điểm rất thú vị trong cách người dân đất nước mặt trời mọc thưởng thức hoa anh đào, đó là sự khoan thai, chậm rãi. Nhìn những dòng người nhẩn nha đi dạo dưới những “con đường hoa”, hay thảnh thơi trò chuyện, đọc sách, thậm chí là ngủ trong công viên, chẳng ai nghĩ đó là đất nước của những con người vốn đi bộ nhanh như chạy trên phố.
Cả năm có hai mùa người Nhật như sống chậm lại, đó là mùa hoa anh đào và mùa lá vàng-lá đỏ. Khi đó, họ sẽ tạo cho mình những khoảng không gian riêng tư, tĩnh lặng nhất, để cảm đến tận cùng cái mong manh của thời điểm giao mùa, tận hưởng cho hết vẻ đẹp của thiên nhiên, nắm bắt cho trọn những chuyển động của cỏ cây, hoa lá.
Thời tiết tại Nhật Bản những ngày này cũng được cho là đẹp nhất trong năm. Tuy nhiên năm nay trời có vẻ không chiều lòng người, khi có tới hai lần mưa dầm trong những ngày hoa nở.
Thông thường, hoa anh đào chỉ tồn tại được khoảng 7 đến 10 ngày, trong đó chỉ có 1-2 ngày nở rộ.
Nếu chẳng may gặp mưa, cánh hoa sẽ bị dập, hoa không được tươi và nhanh hỏng.
Những hình ảnh trong chùm ảnh này được ghi lại tại các điểm ngắm hoa anh đào đẹp nhất ở Tokyo trong ngày 1-2/4. Suốt ngày 3-4/4, trời mưa rả rích, và dù đến cuối tuần trời được dự báo sẽ nắng nhưng chắc chắn hoa sẽ không còn đẹp như vài ngày qua nữa.
Mọi người i dạo trên những con đường rợp hoa, cánh hoa bay như mưa trong gió xuân.
Tại những ngôi chùa hay đền, sự tươi tắn của sắc hoa anh đào như hòa trộn với những nét cổ kính, tôn nghiêm vốn có.
Trên lối vào đền Yasukuni, cứ cách khoảng 80m lại có các thùng rác được đặt ngay giữa đường. Những tình nguyện viên là người dân xung quanh sẽ giúp hướng dẫn khách phân loại, bỏ rác vào thùng. Nếu chẳng may ai đó làm rơi hoặc bỏ sót rác, những tình nguyện viên này sẽ giúp nhặt để bỏ vào thùng.
Khu vực dịch vụ ăn uống dành cho du khách vào thăm đền Yasukuni cũng được bố trí một cách gọn gàng, cách xa đền thờ chính.
Chi Dứa
Theo vnExpress